0

Bác sĩ tâm thần chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa như thế nào? | Safe and Sound

Thông thường, để chẩn đoán rối loạn lo âu, các bác sĩ tâm thần sẽ sử dụng bộ tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trêm Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê Rối loạn tâm thần (DSM) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) hoặc Phân loại bệnh tật quốc tế (ICD) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nguyễn Hoàng Nguyên | Thạc sĩ. Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Nhận biết rối loạn lo âu dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán của bác sĩ tâm thần

Theo DSM-V (bản cập nhật lần thứ 5) thì rối loạn lo âu bao gồm nhiều rối loạn khác nhau liên quan đến mức độ lo lắng, sợ hãi của người bệnh như rối loạn lo âu chia tách, ám ảnh sợ chuyên biệt, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ khoảng trống, rối loạn lo âu lan tỏa,… Bác sĩ tâm thần thường chẩn đoán dựa trên kinh nghiệm khám chữa bệnh, các xét nghiệm lâm sàng để loại trừ các tổn thương thực thể. Trong bài viết này, chúng ta hãy tìm hiểu về rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) – một trong những rối loạn lo âu phổ biến nhất. Để chẩn đoán một người bị rối loạn lo âu lan tỏa, các bác sĩ tâm thần sẽ dựa trên những các tiêu chuẩn chẩn đoán sau:

  1. Lo âu quá mức hoặc xảy ra từ 06 tháng trở lên, tập trung vào một số sự kiện hoặc hoạt động (như công việc hoặc học tập)
  2. Người bệnh khó kiểm soát được lo âu
  3. Lo âu được xuất hiện cùng với 3 trong số 6 biểu hiện dưới đây (các biểu hiện này phải kéo dài ít nhất 6 tháng). Đối với trẻ em thì chỉ cần lo âu kết hợp với 1 triệu chứng
  • Mất thư giãn hoặc cảm giác kích động, bực bội.
  • Dễ bị mệt mỏi
  • Khó tập trung chú ý hoặc trí nhớ trống rỗng
  • Dễ cáu gắt
  • Tăng trương lực cơ
  • Rối loạn giấc ngủ (khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, khó chịu khi thức giấc)
  1. Rối loạn lo âu hoặc các triệu chứng cơ thể là nguyên nhân dẫn đến các khó chịu, suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các chức năng quan trọng khác.
  2. Rối loạn không do hậu quả của một chất (lạm dụng ma túy hoặc thuốc) hoặc một bệnh lý cơ thể (như cường giáp)

Ảnh 1: Mất ngủ đi kèm lo lắng quá mức trên 6 tháng có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu

2. Bác sĩ tâm thần phân biệt rối loạn lo âu lan tỏa với các rối loạn tâm thần khác như thế nào?

Rối loạn lo âu có thể bị nhầm với các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn sự thích ứng,… Ngoài ra, trong một số trường hợp sử dụng chất hay bệnh lý cơ thể cũng xuất hiện rối loạn lo âu. Do đó các bác sĩ tâm thần thường dựa vào sự xuất hiện, mối quan tâm hay đặc điểm của sự lo lắng để phân biệt.

Sự khác biệt giữa rối loạn lo âu lan tỏa và lo âu do bệnh lý cơ thể được phân biệt khi đánh giá kỹ bệnh sử, các xét nghiệm, khám lâm sàng cho thấy các cơn lo lắng là hậu quả trực tiếp của một bệnh như u nguyên bào ưa crôm hay cường giáp. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể phân biệt GAD khi phát hiện bệnh nhân có các cơn lo lăng do lạm dụng cofein, chất kích thích hay tiếp xúc với một số chất độc.

Bên cạnh việc chẩn đoán phân biệt với các bệnh thực tổn, cần phân biệt GAD với các rối loạn lo âu khác như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD),… Để phân biệt GAD với rối loạn lo âu xã hội, chúng ta dựa và tâm điểm các mối lo của bệnh nhân. Bệnh nhân bị rối loạn lo âu xã hội thường tập trung vào các tình huống xã hội mà họ phải thực hiện hoặc được đánh giá bởi người khác. Trong khi đó, lo lắng ở bệnh nhân GAD thường xuyên hơn và có thể có hoặc không nỗi lo bị người khác đánh giá.

Bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa cần phân biệt với OCD ở thời điểm của các vấn đề lo lắng. Bệnh nhân GAD thường lo lắng những vấn đề sắp xảy ra và mức độ thái quá của lo âu về những vấn đề này là bất thường. Trong khi lo âu ở bệnh nhân OCD hình thành từ các ý tưởng, hình ảnh, tư duy mang tính cưỡng chế gây ra sự ám ảnh. Cần phải phân biệt giữa GAD và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) dựa vào thời điểm khởi phát lo âu. Lo âu trong GAD khởi phát từ từ và tiến trển dao động, còn trong PTSD khởi phát cấp tính sau sang chấn và thường tiến triển mạnh. Triệu chứng ám ảnh sợ xa lánh chỉ có trong PTSD mà không có trong GAD.

Ảnh 2: Rối loạn ảm ảnh cưỡng chế cần phân biệt với rối loạn lo âu lan tỏa

Nhìn chung, các bác sĩ tâm thần muốn chẩn đoán một rối loạn lo âu lan tỏa cần dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán kết hợp với việc loại trừ tổn thương thực thể và chẩn đoán phân biệt với rối loạn lo âu khác. Bài viết này chỉ mang ý nghĩa tham khảo, liệt kê các tiêu chuẩn chẩn đoán mà các bác sĩ sử dụng, không thay thế được chẩn đoán từ các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

: Bác sĩ tâm thần chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa như thế nào? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound